Hướng dẫn chi tiết thủ tục mua nhà trả góp đúng pháp lý để tránh gặp rắc rối.
Hiện nay, không ít tình huống người mua nhà “dở khóc dở cười” vì tiền đã đóng đủ cho chủ đầu tư nhưng mãi không nhận được nhà. Thực tế, để xảy ra tình trạng trên một phần cũng do lỗi của người mua khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục mua nhà.
Chính vì vậy, nếu bạn đang có ý định mua nhà, hãy tham khảo bài viết sau đây để có được một giao dịch bất động sản an toàn, nhanh chóng.
I. Thủ tục mua nhà mới nhất năm 2020
1. Đặt cọc (không bắt buộc)
Mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc các bên phải đặt cọc khi chuyển nhượng nhà đất. Tuy nhiên, bên chủ đầu tư thường vẫn yêu cầu bạn đặt cọc để “làm tin”.
2. Công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, khi cá nhân, hộ gia đình chuyển nhượng nhà đất cho nhau phải công chứng hợp đồng mua bán.

3. Kê khai lệ thuế, lệ phí
Theo quy định của pháp luật, khi mua bán nhà thì các bên phải khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Nếu 02 bên thỏa thuận rằng bên mua sẽ nộp thuế thay bên bán thì bên bán nên khai thuế, lệ phí trước bạ cùng thời điểm nộp hồ sơ đăng ký sang tên để tiết kiệm thời gian.
4. Đăng ký sang tên
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Nếu bên mua nhà nộp thuế thu nhập cá nhân thay người bán thì hồ sơ đăng ký biến động bao gồm các giấy tờ sau:
– Hợp đồng chuyển nhượng.
– Đơn đăng ký biến động đất đai (theo mẫu).
– Sổ đỏ (bản gốc).
– Tờ khai lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân (theo mẫu).
– Giấy tờ chứng minh thuộc diện miễn thuế, lệ phí trước bạ (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Cá nhân, hộ gia đình nộp tại UBND cấp xã.
– Trường hợp không nộp tại UBND cấp xã thì:
+ Cá nhân, hộ gia đình nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
+ Nếu chưa có bộ phận một cửa thì nộp tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Trường hợp chưa có Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Sau khi cơ quan chức năng nhận được hồ sơ, thời gian giải quyết sẽ không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Xem thêm: Hồ sơ, thủ tục mua nhà ở xã hội mới năm 2020
II. Thủ tục mua nhà trả góp mới nhất hiện nay
Ngoài việc mua nhà trả tiền 01 lần, việc mua nhà trả góp cũng được rất nhiều cá nhân, hộ gia đình lựa chọn thời gian gần đây. Vậy, thủ tục mua nhà trả góp diễn ra như thế nào?
Bước 1: Lập hồ sơ vay vốn
Khi mua nhà trả góp, bạn cần chuẩn bị hồ sơ vay vốn gồm những giấy tờ sau:
– Hồ sơ nhân thân:
+ CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu.
+ Sổ hộ khẩu hoặc KT3.
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc Giấy chứng nhận độc thân.
– Hồ sơ xác thực mục đích sử dụng vốn:
+ Hợp đồng mua bán nhà.
+ Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu).
+ Sổ đỏ và hồ sơ pháp lý của nhà đất dự định mua.
– Hồ sơ nguồn thu nhập trả nợ:
+ Nếu nguồn thu nhập chủ yếu từ lương, phụ cấp và các khoản tương đương thì cần: Hợp đồng lao động/sao kê tài khoản nhận lương, bảng lương và xác nhận lương của công ty.
+ Nếu nguồn thu nhập chủ yếu từ cho thuê tài sản cần: Giấy tờ pháp lý tài sản cho thuê, hợp đồng cho thuê tài sản, ảnh chụp tài sản cho thuê, chứng từ nhận tiền thuê 03 kỳ gần nhất.
+ Nếu nguồn thu nhập chủ yếu từ kinh doanh cần: Giấy Đăng ký kinh doanh hộ cá thể/doanh nghiệp, giấy tờ thể hiện kết quả kinh doanh (báo cáo tài chính công ty, sổ sách ghi chép bán hàng, tờ khai thuế và chứng từ nộp thuế,…)
– Hồ sơ khác:
Nếu bạn đang có khoản vay tại tổ chức tín dụng hay các ngân hàng khác thì cần chuẩn bị thêm hợp đồng tín dụng, sao kê tài khoản thanh toán,…

Bước 2: Ngân hàng thẩm định hồ sơ và định giá tài sản đảm bảo
Sau khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, phía ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ vay của bạn. Quy trình thẩm định thông thường bao gồm:
– Thẩm định thực tế nơi làm việc, nơi cư trú, nơi kinh doanh của bạn
– Thẩm định thực địa để định giá tài sản đảm bảo.
– Kiểm tra điểm tín dụng và lịch sử tín dụng của bạn.
Việc định giá tài sản đảm bảo có thể được thực hiện đồng thời hoặc sau khi có quyết định chấp thuận cho vay. Theo đó, bộ phận định giá có thể chính là ngân hàng hoặc các công ty định giá độc lập.
Giá trị tài sản đảm bảo được dùng làm một trong những căn cứ để ngân hàng phê duyệt mức cho vay. Chi phí định giá có thể do bạn hoặc ngân hàng chi trả, tùy theo quy định của mỗi ngân hàng.
Bước 3: Người mua nhà trả góp đưa ra quyết định cho vay và tiến hành giải ngân
Nếu hồ sơ của bạn đủ điều kiện vay vốn, phía ngân hàng sẽ gửi đến bạn thông báo cấp tín dụng và tiến hành các thủ tục liên quan về việc thế chấp tài sản đảm bảo và giải ngân khoản vay.
– Trường hợp đã hoàn thành thủ tục sang tên
Các bên ký hợp đồng thế chấp công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện. Sau đó, ngân hàng giữ bản chính Sổ đỏ, Sổ hồng trước khi giải ngân cho khách hàng.
– Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục sang tên
Bên mua, bên bán và ngân hàng ký thỏa thuận 03 bên về việc giải ngân phong tỏa sổ tiết kiệm/mở tài khoản tạm khóa đối với khoản tiền giải ngân cho bên mua. Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, ngân hàng giải ngân khoản vay vào sổ tiết kiệm/tài khoản tạm khóa đứng tên bên bán và phong tỏa toàn bộ số tiền này trong quá trình 02 bên mua bán thực hiện thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Thanh lý hợp đồng tín dụng
Thanh lý hợp đồng là bước cuối cùng trong quy trình cho vay mua nhà trả góp. Chỉ khi nào bạn trả hết nợ và lãi cho ngân hàng thì khi đó quy trình cho vay mới kết thúc.

Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục tục mua nhà mới nhất năm 2020. Hy vọng những thông tin Kinh Nghiệm Mua Bán đem lại sẽ giúp ích cho bạn trong việc sở hữu được căn nhà đúng như mong ước.